Diễn biến Chiến_dịch_tấn_công_chiến_lược_Iaşi-Chişinău

Bản đồ các chiến dịch tấn công của quân đội Liên Xô tại Balkan trong thu-đông năm 1944

Hồi 6 giờ 10 phút ngày 20 tháng 8, tại Phương diện quân Ukraina 2 và hồi 8 giờ 00 cùng ngày tại Phương diện quân Ukraina 3, hớn 12 nghìn khẩu pháo, súng cối cùng hàng trăm dàn Katyusha đồng loạt khai hỏa, mở màn cho chiến dịch. Các trận pháo kích kéo dài đến 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Giống như tại Stalingrad, các công trình phòng thủ kiên cố và bán kiên cố của quân Đức và Romania trên tuyến đầu lần lượt sụp đổ dưới làn hỏa lực pháo binh có mật độ đạn rơi dày đặc chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai.[27] Ở phía Tây Chişinău, hơn 200 máy bay IL-2 và 120 máy bay ném bom yểm hộ cho cuộc tấn công của các tập đoàn quân 27 và 52. Ở phía Đông, 198 máy bay cường kích và hơn 100 máy bay ném bom của Tập đoàn quân không quân 17 yểm hộ cho các cuộc tấn công vượt sông Dniestr của các tập đoàn quân 37 và 57. Các loạt bom và hỏa tiễn từ các máy bay ném bom và cường kích đã bồi thêm vào hậu quả do các trận pháo kích để lại. Không quân Liên Xô hầu như làm chủ toàn bộ vùng trời của mặt trận. Từng tốp 12 máy bay cường kích và ném bom đều được 24 máy bay tiêm kích bảo vệ.[35] Trên hướng Biển Đen, pháo và hỏa tiễn Katyusha từ các hạm tàu của Hải quân Liên Xô cũng nã đạn liên tục vào các vị trí phòng thủ của quân Đức và Romania từ pháo đài Akkerman đến cảng cá Vilkovo. Bị không quân của Hạm đội Biển Đen (Liên Xô) khống chế, hải quân Romania hoàn toàn bất lực trước các chiến hạm Liên Xô. Cụm quân đổ bộ gồm các lữ đoàn hải quân đánh bộ 83 và 255, Trung đoàn cơ giới 3 và Trung đoàn xe bọc thép lội nước 252 đã sẵn sàng trên các tàu đổ bộ và sà lan, chờ lệnh cập bờ.[36]

Hướng Iaşi - Ploieşti

Bản đồ các trận tấn công của quân đội Liên Xô từ ngày 23 đến ngày 31 tháng 8 năm 1944

8 giờ 54 phút sáng 20 tháng 8, các tập đoàn quân 27 và 52 trên cánh phải của Phương diện quân Ukraina 2 đã tung ra đòn đột kích tổng lực vào 4 sư đoàn Đức và Romania đã phòng thủ tại Târgu Frumos. Trong ba giờ tấn công đầu tiên, Quân đoàn bộ binh cận vệ 35 đã chiếm được 3 tuyến chiến hào phòng thủ của quân Đức và Romania. Trên khắp trận địa bị cày xới nhiều lần bởi các loạt bom và đạn pháo, một số hỏa điểm lẻ của quân Đức vẫn còn bắn trả trước khi bị bộ binh Liên Xô tràn qua và dập tắt. Xế chiếu ngày 20 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 33 được đưa vào trận đã mở một đòn đột kích vượt qua phía Tây Iaşi và áp sát phòng tuyến núi Mare của quân Đức. Ngay trong ngày tấn công đầu tiên, Tập đoàn quân 27 đã khoét một lỗ thủng rộng 20 km sâu đến 16 km vào tuyến phòng thủ của liên quân Đức-Romania trên hướng Satu-Mare (???) và vượt sông Bahlui trong hành tiến. Thắng lợi nhanh chóng này đã khiến Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 đi đến kết luận là cần tung ngay Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 vào cửa đột phá để phát triển tấn công đến dãy núi Mare mà không cần đợi đến ngày hôm sau như kế hoạch đã định.[37]

Cuộc tấn công của Tập đoàn quân 52 cũng thu được thắng lợi vượt ngoài mong đợi. Sau khi giải quyết xong cụm cứ điểm Đông Târgu Frumos chỉ trong hai giờ, Quân đoàn bộ binh 48 bắt đầu tiếp cận ngoại ô Iaşi. Chiều 20 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 18 được lệnh tách khỏi đội hình Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 sang hỗ trợ cho Tập đoàn quân 52. 15 giờ ngày 21 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 18 và Quân đoàn bộ binh 48 đã giải phóng Iaşi. Bộ tư lệnh Tập đoàn quân 52 lập tức điều Quân đoàn bộ binh 73 vượt lên phía trước, bám theo Quân đoàn xe tăng 18 để chiếm các bến vượt qua sông Prut tại khu vực Huşi - Vaslui. Trong báo cáo chiến sự hàng ngày gửi về Đại bản doanh, Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 cho biết họ đã đánh tan 6 sư đoàn Đức và Romania dọc theo dãy núi Mare và đã đột kích sâu từ 25 đến 40 km vào phía trong các tuyến phòng thủ của đối phương.[38]

Tuy nhiên, đến cuối ngày 21 tháng 8, các tin tức về cuộc đột kích không thuận lợi của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 bắt đầu gây lo lắng cho Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô. Riêng I. V. Stalin vẫn tỏ ra lạc quan, ông cho rằng vào buổi sáng, con người ta sẽ không ngoan hơn buổi chiều. Tuy nhiên, đến sáng 22 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 vẫn chưa đột phá được dải phòng ngự của quân Đức trên tuyến Huşi - Vaslui. Tướng R. Ya. Malinovsky điều động cả hai quân đoàn bộ binh của Tập đoàn quân 52 phối hợp với Quân đoàn xe tăng 18 đánh bọc hậu vào Huşi nhưng vẫn không vượt qua được hàng rào xe tăng của quân Đức và Romania.[39]

Tướng Johannes Frießner nhận được tin báo về đòn đột kích sâu của xe tăng Liên Xô tại khu vực Iaşi vào chiều ngày 20 tháng 8 khi ông ta đang có cuộc họp với Thủ tướng Romania Ion Antonescu khiến cuộc họp phải bỏ dở. Từ tối 20 đến sáng 21 tháng 8, thông tin về quân số Đức và Romania thương vong tăng lên từng giờ trong khi trên bản đồ của các sĩ quan tác chiến Đức, các mũi tấn công bằng xe tăng của quân đội Liên Xô bắt đầu vượt khỏi ngoại ô phía Nam Iaşi. Johannes Frießner gọi điện cho tướng Otto Wöhler và nhận được hồi đáp rằng Tập đoàn quân 8 cũng đang phải chống trả các trận công kích của Tập đoàn quân 40 (Liên Xô) trên hướng Paşcani. Nhận thấy cánh quân chủ lực của Tập đoàn quân 6 (Đức) đang lâm vào tình thế đe dọa bị hợp vây Johannes Frießner lệnh cho tướng Otto Wöhler phải điều gấp Sư đoàn xe tăng "Đại Romania" do các sĩ quan Đức chỉ huy còn đang "rỗi rãi" ở lực lượng dự bị đến ngay tuyến phòng thủ núi Mare. Ngày 21 tháng 8, Sư đoàn xe tăng này đã tạm thời chặn được đòn đột kích của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 (Liên Xô), kìm chân tập đoàn quân này thêm một ngày một đêm ở chân dãy núi này.[40]

Đến sáng 22 tháng 8, dưới các trận oanh tạc từ trên không và các đòn đột kích liên tục của xe tăng và bộ binh Liên Xô, Sư đoàn xe tăng "Đại Romania" đã bị thiệt hại nặng, liên quân Đức-Romania không còn giữ được tuyến phòng ngự liên tục dọc theo chân núi Mare và buộc phải tháo lui. Trong ngày 22 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng 6 dẫn theo các quân đoàn bộ binh cánh trái của Tập đoàn quân 27 và cánh phải của Tập đoàn quân 52 truy kích dọc theo các con sông Prut và Seret. Cũng trong buổi sáng 22 tháng 8, Tập đoàn quân cận vệ 4 bắt đầu phát động tấn công từ Petreşti vào Tây Bắc Chişinău, đánh chiếm thị trấn Nisporeny và phối hợp với đòn tấn công của Tập đoàn quân xung kích 5 từ Dubosary (Dabasari) đánh vào Đông Bắc Chişinău, bắt đầu chia cắt tuyến phòng thủ của quân Đức xung quanh thành phố. Đến cuối ngày 22 tháng 8, chủ lực của Phương diện quân Ukraina 2 đã thọc sâu vào tuyến phòng ngự của liên quân Đức - Romania được hơn 60 km và mở rộng chính diện đột phá lên đến 120 km. Quân đội Liên Xô đã tiến ra tuyến có thể trực tiếp bao vây Tập đoàn quân 6 (Đức) trên các tuyến sông Prut, Vaslui và Seret.[21]

Ngày 23 tháng 8, các trận đánh ác liệt tiếp tục diễn ra tại một vòng cung lớn từ Vaslui qua Huşi đến Loevo (Leova), đặc biệt là các bến vượt qua sông Prut. Tướng Johannes Frießner cố gắng kéo quân sang phía Tây để chạy đến Transilvania. Tuy nhiên, 10 sư đoàn Đức và Romania đã bị vây ở phía Đông Huşi. Vì phía sau mặt trận quân Đức hầu như không còn bộ binh dự trữ nên tướng Johannes Frießner tung hơn 50 xe tăng của Sư đoàn xe tăng 20 phối hợp với không quân Đức để phá vây. Do vòng vây của quân đội Liên Xô chưa khép chặt nên một bộ phận quân Đức đang bị vây tại khu vực tam giác Katu-Morgi - Leusheny - Kotvskoye đã thoát sang bờ Tây sông Prust và chạy về tuyến sông Seret. Một số nơi, các nhóm quân Đức rút lui đã đánh vào sau lưng các chi đội phái đi trước của Tập đoàn quân xe tăng 6 và Tập đoàn quân 27.[41]

Ngày 26 tháng 8, Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliev sau hai ngày đêm liền hành quân liên tục bằng tàu hỏa đã đổ quân xuống nhà ga Paşcani và bước vào chiến đấu ngay mà không cần chờ tập hợp đủ lực lượng. Có kỵ binh cơ giới hỗ trợ, tốc độ tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 7 tăng lên đáng kể. Ngày 27 tháng 8, Tập đoàn quân cận vệ 7, Quân đoàn xe tăng 23 và Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev vượt sông Seret tại Bakau. Số quân Đức thoát khỏi "cái nồi hầm" ở phía Đông Huşi với quân số khoảng 3 sư đoàn lại một lần nữa lại lọt vào vòng vây của Tập đoàn quân cận vệ 7 và Quân đoàn xe tăng 23 ở phía Đông Onesti và bị đánh tan tại đây. Trong khi Tập đoàn quân 52 và Quân đoàn xe tăng 18 phối hợp với cánh phải của Phương diện quân Ukraina 3 thanh toán Tập đoàn quân 6 (Đức) tại khu tam giác Katu-Morgi (???) - Leusheny - Kotvskoye (???) thì Tập đoàn quân cận vệ 4 đã điều Quân đoàn bộ binh 78 đến tuyến sông Seret để phối hợp tiêu diệt tàn quân Đức và Romania tại đây.[29]

Sau khi thành toán xong cánh quân Đức bị vây ở khu vực phía Đông Huşi, ngày 27 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 (bao gồm cả Quân đoàn xe tăng 18) đã song hành với Tập đoàn quân 27 mở một mũi đột kích mới xuống phía Nam. Lợi dụng cửa mở tự nhiên ở Focşani, Cả hai tập đoàn quân đều tiến công rất nhanh qua thị trấn Focşani đến Buzey (???) trong vòng hai ngày. Trước mắt họ là hai mục tiêu quan trọng của chiến dịch: PloieştiBucharest. Tình hình ở hai thành phố quan trọng này đang diễn biến rất khác nhau. Trong khi ở Bucharest, tình hình diễn ra thuận lợi, nhà vua trẻ Mihai đang có cuộc hội kiến với các chính đảng thuộc khối dân tộc-dân chủ Romania mà không có sự tham gia của Ion Antonescu để thiết lập một liên minh chống phát xít thì ở Ploieşti, ngay từ ngày 24 tháng 8, các lực lượng du kích của Đảng Cộng sản Romania và công nhân dầu mỏ đã chiến đấu kịch liệt với cụm quân Đức - Romania đông đến 25.000 người để giành giật các một trong hai nguồn cung dầu mỏ quan trọng của Đế chế thứ ba. Ngày 27 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 5 Romania so tướng Vasiliu Reşcanu chỉ huy đã quay súng chống lại quân Đức và đến giúp công nhân dầu mỏ Romania phòng thủ thành phố. Tuy nhiên, các sư đoàn bộ binh 79, 376 và một bộ phận Sư đoàn xe tăng 20 (Đức) đã vây kín Ploieşti.[42].

Tình hình khẩn cấp buộc Phương diện quân Ukraina 2 phải sử dụng Quân đoàn xe tăng 23, Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 và ba sư đoàn bộ binh của Tập đoàn quân 27 để mở hướng tấn công vào Ploieşti trước khi đánh chiếm Bucharest. Ngày 28 tháng 8, cánh quân xung kích Liên Xô bắt đầu tấn công các sư đoàn Dức xung quanh Ploieşti. Ngày 29 tháng 7, đến lượt Sư đoàn bộ binh 18 Romania quay súng chống lại quân Đức và hỗ trợ cho cuộc tấn công. Không thể chống lại của đột kích của xe tăng Liên Xô cũng như các đòn phản kích của quân du kích và Quân đoàn bộ binh 5 Romania từ trong thành phố đánh ra, ngày 30 tháng 8, tướng Johannes Frießner buộc phải rút quân khỏi vùng phụ cận Ploieşti và theo đường sắt chạy về Brasov. Khi Quân đoàn xe tăng 23 cơ động từ cao nguyên Bracha xuống Ploieşti thì khu công nghiệp dầu mỏ đã được giải phóng gần như nguyên vẹn. Tướng A. O. Akhmanov lập tức chuyển chiến thuật sang tấn công truy kích. Trong ba ngày tiếp theo, các sư đoàn bộ binh 79 và 376 (Đức) đã bị Quân đoàn xe tăng 23 bám đuổi và đánh thiệt hại nặng suốt dọc đường từ Ploieşti đến Ofytul-Georgye (Sfantu gheorghe).[26]

Hướng Akkerman - Constanta

Các xe tăng của Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 (Liên Xô) xuống tàu tại nhà ga Tiraspol, tháng 8 năm 1944

Khác với Phương diện quân Ukraina 2 tiến công trên địa hình miền núi và trung du ven rìa phía Đông dãy núi Carpath, Phương diện quân Ukraina 3 do đại tướng tư lệnh F. I. Tolbukhin chỉ huy phải hoạt động trong điều kiện địa hình đồng bằng ven biển, có nhiều khu vực của sông và bãi lầy. Ở đây rất ít "đất" cho xe tăng hoạt động nhưng không có lực lượng công binh và vận tải đường sông mạnh thì khó có thể vượt sông Dniestr tấn công trong thời hạn quy định. Bởi vật, STAVKA đã chỉ thị cho Hạm đội Biển Đen phải hỗ trợ phương diện quân của F. I. Tolbukhin cả về máy bay và hạm tàu, đồng thời dành hẳn Giang đoàn Danub để Phương diện quân Ukraina 3 sử dụng không chỉ trong các chiến dịch ở Romania mà còn trong các chiến dịch ở Bulgaria sau này.[43]

Tướng F. I. Tolbukhin có 4 tập đoàn quân và 2 quân đoàn cơ giới để thực thi nhiệm vụ. Các tập đoàn quân 37, xung kích 5 và Quân đoàn cơ giới 7 có nhiệm vụ phối hợp với cánh trái của Phương diện quân Ukraina 2 bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân 6 (Đức) ở khu vực Chişinău. Tập đoàn quân 57 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 có nhiệm vụ đột kích sâu xuống Galats (Galati), nơi đóng sở chỉ huy của Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina. Tập đoàn quân 46 có nhiệm vụ phối hợp với Hải quân đánh bộ của Hạm đội Biển Đen bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân 3 (Romania) và các đơn vị Đức tại khu vực ven biển (thường được gọi là Cụm quân Akkerman). Trong đó, mũi tấn công của Tập đoàn quân 37 có vai trò rất quan trọng. Nó phải phối hợp chặt hẽ với mũi tấn công của Tập đoàn quân 52 (Phương diện quân Ukraina 2) để bao vây Tập đoàn quân 6 (Đức) ở Chişinău. Mũi tấn công của Tập đoàn quân 57 có một tầm quan trọng khác, nó chia cắt Tập đoàn quân 3 (Romania) với tất cả các lực lượng còn lại của Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina (Đức). Vì có ít binh lực hơn nên F. I. Tolbukhin chỉ dành ra Quân đoàn bộ binh cận vệ 6 làm lực lượng dự bị.[44]

Sáng ngày 20 tháng 8, trong khi tại Galats, Bộ tham mưu của tướng Johannes Frießner còn đang xem xét lại kế hoạch rút lui của Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina (Đức) thì tướng F. I. Tolbukhin đã có mặt tại đài chỉ huy ở bờ sông Dniestr đối diện với thành phố Beldery để kiểm tra lần cuối cùng công việc chuẩn bị. Đồng hồ chỉ đúng 8 giờ, hơn 5 nghìn khẩu pháo và súng cối của Phương diện quân Ukraina 3 đã trút đạn sang tuyến phòng thủ của quân Đức và Romania ở bên kia sông Dniestr. Pháo hạm và các dàn Katyusha từ các chiến hạm và tàu tuần tra của Hạm đội Biển Đen cũng bắn phá pháo đài Akkerman. Tập đoàn quân không quân 17 và Không quân của hạm đội Biển Đen cũng thực hiện hơn 400 phi vụ đánh vào các cứ điểm phòng thủ của quân Đức và Romania từ sông Dniestr đến sông Prut và cửa sông Danub. Theo tính toán mật độ đạn của Phòng tham mưu pháo binh phương diện quân, cứ 100 mét chính diện trên tuyến phòng thủ của quân Đức phải hứng chịu khoảng 15 tấn bom và đạn pháo.

Hauptmann Hans Diebisch, sĩ quan chỉ huy một tiểu đoàn Đức cho biết:

Các hỏa điểm của quân Đức đã bị xóa sổ hoàn toàn bởi các máy bay tiêm kích bom Xô Viết đang oanh tạc tiền tuyến lẫn hậu phương. Khi bộ binh Nga xuất hiện bất thình lình ở các cứ điểm của tiểu đoàn và chúng tôi buộc phải rút lui, thì không quân Nga đã cắt mất đường rút của chúng tôi. Tiểu đoàn bị cắt nát vụn và bị hủy diệt bởi máy bay cũng như hỏa lực pháo, súng cối và súng máy. Đến cuối ngày, quân Nga đã tiến rất sâu vào tuyến phòng thủ của chúng tôi
— Hauptmann Hans Diebisch, Commander II./IR579, 306.ID
Không quân của Hạm đội Biển Đen (Liên Xô) ném bom cảng Constanta ngày 20 tháng 8 năm 1944

Do xuất phát từ hai căn cứ đầu cầu ở phía Nam Tiraspol nên các tập đoàn quân 37 và 57 không phải vượt sông trong hành tiến. Tại Quân đoàn bộ binh 66 thuộc Tập đoàn quân 37, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 333, thiếu tướng A. I. Danilov quyết định không dành một đơn vị nào ở thê đội dự bị mà tung hết ba trung đoàn của mình vào trận đánh. Sư đoàn bộ binh cận vệ 61 bên cánh phải họ thì tiến công theo đội hình chuẩn với 2 trung đoàn tham gia tiến công và 1 trung đoàn dự bị. Vấp phải các hỏa điểm mạnh của quân Đức còn sót lại tại cứ điểm Plopschtubej (Plop-Știubei), Trung đoàn bộ binh cận vệ 188 đã phải dừng lại. Trong khi đó, Trung đoàn bộ binh 189 bên cạnh Sư đoàn 333 vẫn tấn công đều đặn. Trước tình hình đó, tư lệnh Sư đoàn bộ binh cận vệ 6 đưa Trung đoàn bộ binh cận vệ 187 vào mặt trận để tăng sức đột phá. Đến chiều tối ngày 20 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 244 tiếp tục được tung vào trận địa để đột phá qua tuyến phòng thủ thứ hai của liên quân Đức - Romania. Trong ngày đầu tiên của chiến dịch, các quân đoàn Liên Xô đều vượt qua được từ 7 đến 9 km. Riêng Quân đoàn bộ binh 66 tiến lên được 15 km. Các sư đoàn bộ binh 15, 306 (Đức) bị thiệt hại nặng. Sư đoàn bộ binh sơn chiến 4 và Sư đoàn bộ binh 21 (Romania) bị tiêu diệt hoàn toàn.[45]

Ngày 21 tháng 8, quân Đức bắt đầu có phản ứng. Tướng Johannes Frießner điều Sư đoàn xe tăng 13 và các sư đoàn bộ binh 106, 153 và 258 (Đức) mở cuộc phản kích để giữ con đường sắt từ Beldery đi Romanovka, tạm thời chặn được Tập đoàn quân 37 ở khu vực Opaci. Sáng 22 tháng 8, Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 có 135 xe tăng và 56 pháo tự hành được điều đến khu vực để chặn kích. Tập đoàn quân không quân 17 của tướng V. A. Sudet được lệnh dành toàn bộ Quân đoàn không quân 9 (2 sư đoàn cường kích, 1 sư đoàn tiêm kích) để tấn công cánh quân phản kích của Đức. Các máy bay cường kích IL-2 một lần nữa lại trở thành những "thần chết đen" đối với các xe tăng Đức. Chiều 22 tháng 8, cuộc phản kích của 4 sư đoàn Đức bị đánh lui về Gura-Gandena (Gura Galbenei). Quân Đức bỏ lại trên bãi chiến trường hơn 100 xác xe tăng và pháo tự hành bị phá hủy và hàng nghìn xác lính bộ binh.[46]

Ngày 23 tháng 8, sau năm lần bảy lượt đề đạt ý kiến, và chỉ khi nhận được những tin tức rất xấu từ mặt trận Romania báo về từ nhiều nguồn, tướng Johannes Frießner mới được Hitler cấp quyền rút các lực lượng Đức và Romania khỏi tuyến phòng thủ. Cũng như tại tuyến sông Dniepr trước đây, quyết định đó là quá muộn. Ngày hôm đó, các Tập đoàn quân cận vệ 4 (Phương diện quân Ukraina 2) và xung kích 5 (Phương diện quân Ukraina 3) đã áp sát phía Bắc và phía Nam Chişinău sau khi đánh bại cuộc phản kích của liên quân Đức-Romania, Tập đoàn quân 37 (Liên Xô) đã chặn hết các con đường rút lui của quân Đức xuống phía Nam. Không những thế, đòn tấn công của Tập đoàn quân 46 (Liên Xô) còn chia cắt Tập đoàn quân 6 (Đức) và Tập đoàn quân 3 (Romania) và một bộ phận lớn Tập đoàn quân 3 Romania đã bị dồn ra biển. Họ đã để mất pháo đài Akkerman một cách nhanh chóng và đang bị quân đội Liên Xô tiêu diệt hoặc làm tan rã tại các bãi lầy ở vùng cửa sông Kogilnik. Đến ngày 23 tháng 8, Tập đoàn quân 3 Romania đã không còn tồn tại.[47]

Đòn tấn công của Tập đoàn quân 57 hầu như không gặp phải sức chống cự đáng kể của quân đội Đức Quốc xã. Ngày 21 tháng 8, tướng Johannes Frießner đã cho rút bộ tham mưu của Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina khỏi thành phố Galats bằng máy bay về Debresen (Hungary). Ngày 23 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 64 chiếm Tarutino. Ngày 24 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 68 đánh bật cuộc phản kích của quân Đức ở phía đông Kagul (Cahul). Tàn quân Đức của Sư đoàn bộ binh 9 bỏ chạy sang phía Tây lại rơi vào đúng tuyến tấn công của Tập đoàn quân 27 đã nhanh chóng bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Ngày 25 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 9 (Tập đoàn quân 57) đánh chiếm pháo đài Izmail. Ngày 26 tháng 8, Tập đoàn quân 57 tổ chức vượt sông Danub đánh chiếm Tulcha (Tulcea). Ngày 27 tháng 8, đến lượt thị trấn Babadag được giải phóng. Ngày 29 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 9 và Quân đoàn bộ binh 64 phối hợp với Hải quân đánh bộ của Hạm đội Biển Đen và Sư đoàn đổ bộ đường không 10 đánh chiếm cảng Constanta. Cùng ngày, Quân đoàn bộ binh 68 đánh chiếm Chernavoda (Cernavoda) trên bờ sông Danub.[48]

Sau khi tiêu diệt cụm quân Đức và Romania tại phía Nam Akkerman, Tập đoàn quân 46 tiếp tục cơ động xuống phía Đông Bucharest theo bờ tả ngạn sông Danub. Ngày 27 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 37 đánh chiếm thành phố Galats. Ngày 28 tháng 8, đến lượt thành phố Braila rơi vào tay quân đội Liên Xô. Ngày 29 tháng 7, Quân đoàn bộ binh 34 đánh chiếm thị trấn Slobozie (Slobozia) trên sông Jalomişa và chỉ còn cách biên giới Romania - Bulgaria chưa đầy 50 km.[49]

Hướng Chişinău

Binh sĩ Liên Xô và binh sĩ Romania bắt tay nhau tại mặt trận. Từ ngày 31 tháng 8 năm 1944, họ đã cùng chung một chiến tuyến

Đến cuối ngày thứ ba của chiến dịch, Phương diện quân Ukraina 3 đã thọc rất sâu vào hậu cứ của Tập đoàn quân 6 (Đức). Trong tay tướng Johannes Frießner chỉ còn lại Sư đoàn xe tăng "Đại Romania" nhưng nó lại đang bị Tập đoàn quân xe tăng 6 (Liên Xô) tiêu hao sau hai ngày chiến đấu liên tục dưới chân núi Mare để giữ con đường rút lui sang phía Tây của Cụm quân Đức - Romania tại Chişinău. Trên hướng Đông Nam Chişinău, Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 của Phương diện quân Ukraina 3 sau khi hỗ trợ cho Tập đoàn quân 46 đánh tan Tập đoàn quân 3 Romania đã ngoặt sang phía Tây, hợp lực cùng Quân đoàn cơ giới 7 khép vòng vây ở phía Nam Chişinău tại Leovo. Tập đoàn quân 6 (Đức) đứng trước nguy cơ bị bao vây tiêu diệt. Thượng sĩ nhất Franz-Josef Strauss của Trung đoàn xe tăng 66 thuộc Sư đoàn xe tăng 13, (về sau trở thành một chính trị gia nổi tiếng) đã nhận xét rằng sư đoàn của ông không còn tồn tại dưới tư cách là một đơn vị chiến thuật có tổ chức kể từ ngày thứ ba của cuộc tấn công. Ông nói: "Quân địch ở khắp nơi."

Mazulenko đã nhận xét như sau về đà tiến quân của Quân đoàn bộ binh 66 Liên Xô, đơn vị đầu tiên khép vòng vây ở phía Nam cụm quân Đức tại Chişinău trên khu vực Guna Galdena:

Do quân đội ta bố trí tấn công theo chiều sâu gồm nhiều thê đội nối tiếp nhau công kích nên các phòng tuyến của địch quân đều bị phá vỡ một cách nhanh chóng.

Từ ngày 23 tháng 8, các gọng kìm của Tập đoàn quân 52 và Quân đoàn xe tăng 18 (từ phía Tây), Tập đoàn quân 37 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 (từ phía Đông), Tập đoàn quân cận vệ 4 (từ phía Tây Bắc), Tập đoàn quân xung kích 5 (từ phía Đông Bắc) và Quân đoàn cơ giới 7 từ phía Nam đã ngày càng khép lại. Tập đoàn quân 6 (Đức) chỉ còn duy nhất một "cửa thoát hiểm" ở Tây Nam Chişinău qua Leusheny và Huşi. Tuy nhiên, ngay từ ngày 22 tháng 8, không cần chờ lệnh của tướng Johannes Frießner, tướng Maximilian Fretter-Pico đã cho Tập đoàn quân 6 rút lui sang phía Tây Nam theo con đường bộ từ Chişinău đi Huşi, dự kiến sau đó sẽ cắt phương vị vào chân núi phía Đông dãy Carpath rồi rút sang Hungary. Tướng Maximilian Fretter-Pico cũng ra lệnh cho các đơn vị mang theo tối đa số lượng vũ khí nặng có trong tay để chiến đấu trên đường đi. Thanh minh cho hành động rút quân được giới chức Romania miêu tả là "cuộc chạy trốn khỏi chiến trường" của Tập đoàn quân 6 (Đức), tướng Johannes Frießner viết:

Trong tình huống nguy hiểm đến quân đội của mình, tướng Fretter-Pico có thể rút quân và di chuyển sở chỉ huy của mình về phía sau mà không cần phải đợi lệnh của tôi. Bởi trong trường hợp này thì đó là vấn đề sinh tử đối với hàng chục nghìn binh sĩ. Người chỉ huy phải giúp đỡ họ bằng bất kỳ phương tiện nào, bất cứ cách nào. Còn nếu bộ chỉ huy cứ hành động một cách máy móc chống lại đối phương thì đó là điều không thể chấp nhận được.
— Johannes Frießner[40]

Ngày 24 tháng 8, Tập đoàn quân xung kích 5 (Liên Xô) giải phóng Chişinău và Tập đoàn quân cận vệ 4 tiếp tục truy kích Tập đoàn quân 6 (Đức) đang rút lui. Chiều 24 tháng 8, đại bộ phận Tập đoàn quân 6 (Đức) đã bị vây tại khu vực phía Đông Huşi. Tuy nhiên, do vòng vây phía trong không được bảo đảm liên tục nên cụm quân Đức bị vây lên đến 18 sư đoàn đã trở thành mối đe dọa phía sau lưng chủ lực các tập đoàn quân Liên Xô đang lao nhanh về phía Nam. Ngày 25 tháng 8, cụm quân lớn nhất của quân Đức gồm khoảng 35.000 người bị kẹt lại tại các bến vượt trên sông Prut bị tiêu diệt hoặc hạ vũ khí đầu hàng. Tuy nhiên, khoảng 10.000 quân Đức đã chạy thoát sang bờ Tây sông Prut. Như một cơn bão lớn bị tan thành nhiều cơn lốc nhỏ, quân Đức phân tán thành từng tốp, từng nhóm, từng cụm, tổ chức công kích ở khắp mọi hướng để có thể thoát khỏi vòng vây. Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 1944, Tập đoàn quân cận vệ 4 (Liên Xô) cũng phải xé lẻ thành các sư đoàn để truy đuổi, tiêu diệt và bắt làm tù binh các nhóm quân Đức đang tháo chạy tứ tán khắp mọi nơi ở giữa sông Prut và dãy núi Đông Carpath. Ngày 26 tháng 8, một cụm quân gồm hơn 2.000 người bị Sư đoàn bộ binh cận vệ 7 (Liên Xô) tiêu diệt tại khu vực giữa Huşi và Vaslui. Ngày 27 tháng 8, một cụm quân khác đông đến 3.000 người bị Sư đoàn bộ binh cận vệ 5 (Liên Xô) đánh tan và bắt làm tù binh ở phía Bắc Birlad. Ngày 28 tháng 8, Sư đoàn bộ binh cận vệ 41 (Liên Xô) mở cuộc tập kích vào nhóm tàn quân của Quân đoàn bộ binh hỗn hợp 4 (Đức - Romania) tại khu vực đầu cầu Burdusachi (Burdusaci). Quân đội Liên Xô bắt hơn 1.000 tù binh. Trong số các xác chết trên chiến trường có tướng Friedrich Mieth, chỉ huy quân đoàn này. Ngày 30 tháng 8, một cụm lớn quân Đức-Romania gồm hơn 4.000 quân bị đánh tan ở giữa hai con sông Onessti và Seret.[21] Trong lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, Tập đoàn quân 6 (Đức) trở nên nổi tiếng vì đây là tập đoàn quân Đức duy nhất có ba lần bị bao vây tiêu diệt. Lần thứ nhất ở Stalingrad trong mùa đông 1942-1943, lần thứ hai ở Iaşi-Chişinău tháng 8 năm 1944 và lần thứ ba, tập đoàn quân này bị bao vây và đầu hàng ở mặt trận Áo ngày 9 tháng 5 năm 1945.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_chiến_lược_Iaşi-Chişinău http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://books.google.com/books?id=dLsnAAAAMAAJ&q=%2... http://books.google.com/books?id=q2jOf2a3-5EC&pg=P... http://books.google.com/books?id=vHNpAAAAMAAJ&q=Ja... http://books.google.com/books?id=x9cmuEoLYIQC&pg=P... http://www.kulichki.com/moshkow/MEMUARY/1939-1945/... http://www.siebenbuerger.de/sbz/sbz/news/109316028...